Phương thức Nuôi trâu

Một con trâu được cho ăn cỏ tươi ở Thái Lan

Trên thế giới hiện nay có đa dạng các phương thức nuôi trâu, người ta có thể nuôi quảng canh hay thâm canh. Mục đích và quy mô chăn nuôi có thể chăn nuôi trâu để cày kéo hay nuôi trâu lấy thịt hay nuôi trâu lấy sữa, quy mô nông hộ hay gia trại, trang trại. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả trên đồng bãi, kết hợp ăn cỏ, rơm và thức ăn tinh tại chuồng. Người ta cũng có thể nuôi theo kiểu bán chăn thả rồi lấy rơm, lá ngô, cắt cỏ trồng, cỏ rừng, thái cây chuối trộn muối, cám đổ vào hộc cho trâu, bò ăn.

Hình thức chăn nuôi nông hộ và mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ do có nhiều nơi trên núi cao không có người ở, không phù hợp canh tác nông nghiệp nhưng ở đó lại có những đồng cỏ đủ để nuôi hàng trăm đầu gia súc. Nếu nuôi theo mô hình này sẽ vừa dễ kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, giảm nhân lực chăn thả vừa chia sẻ được nhân lực với những hộ neo người cũng có thể tham gia phát triển chăn nuôi.

Đồng thời, nuôi trâu, bò theo mô hình nhóm hộ cũng tiện lợi cho việc đầu tư khoa học kỹ thuật, tạo nguồn thức ăn cho gia súc, chia sẻ gánh nặng giữa các gia đình trong đầu tư tiền làm chuồng trại, đầu tư con giống[24]. Đây cũng là cách giao ước chăm đàn của một hộ ba gia đình. Cứ mỗi gia đình giữ một ngày và luân phiên nhau liên tục, người chăn giữ chủ yếu đi theo đàn, trông nom không cho nó đi bậy phá cây cối và trông chừng kẻ xấu. Việc giữ trâu cũng không nặng nhọc. Trâu ăn no cỏ rồi xuống hồ tắm hay cụm lại nằm nghỉ trên bờ hồ[25].

Nuôi vỗ béo

Với phương thức nuôi vỗ béo, người ta áp dụng đối với việc chăn nuôi trâu để lấy thịt. Vỗ béo trâu là phương thức nuôi những con trâu đực gầy, trâu sau 24 tháng tuổi hay những con trâu loại thải trở nên béo tốt, nhiều thịt và đạt tiêu chuẩn bán. Thời gian nuôi vỗ béo thường kéo dài từ 4-6 tháng. Để tăng năng suất và chất lượng thịt trâu, cần tiến hành vỗ béo trâu. Mô hình nuôi trâu vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng đem lại hiểu quả kinh tế cao mà kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, ít rủi ro. Việc nuôi nhốt trâu vỗ béo tại chuồng rất có lãi[26]. Kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khá đơn giản, có thể nuôi bán chăn thả hoặc nhốt chuồng hoàn toàn tùy vào điều kiện tự nhiên của từng nơi. Trong điều kiện chăn thả gia đình thì có 2 phương thức vỗ béo thích hợp là:

Một con trâu đang nuôi vỗ béoThịt trâu
  • Vỗ béo bằng hình thức bán chăn thả: áp dụng cho những nơi ít bãi chăn (vùng đồng bằng, ven đô, khu công nghiệp). Trâu chỉ tận dụng được một phần hoặc một nửa khẩu phần thức ăn trên bãi chăn, phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó lưu ý đến thức ăn tinh.
  • Vỗ béo bằng hình thức chăn thả trâu trên bãi chăn từ 8 - 10 giờ/ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công thu cắt và vận chuyển. Ban đêm, bổ sung thức ăn tinh và muối ăn cho trâu. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tươi tương đối khá, bảo đảm cho trâu mỗi ngày thu lượm được 20 – 25 kg cỏ

So với nuôi trâu theo hình thức thả núi, mô hình nuôi trâu vỗ béo, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, thời gian nuôi trâu thả núi khoảng 4 - 5 năm mới xuất bán, thời gian nuôi trâu vỗ béo từ 4 – 6 tháng, trong khi thu nhập ngang nhau. Nuôi trâu thả núi phải tốn công chăn thả và phải trông nom, nuôi trâu vỗ béo là nuôi nhốt, chỉ cần tận dụng thời gian nhàn rỗi, hoặc tranh thủ lúc đi làm đồng cắt cỏ mang về nuôi trâu. Hiện nay, ngoài việc tận dụng nguồn rơm, cỏ sẵn có tại địa phương, người dân đã trồng cỏ voi ở các sườn đồi, sườn núi để đảm bảo thức ăn cho trâu, tận dụng đất bỏ hoang ở các sườn đồi, dốc núi để trồng cỏ voi. Việc áp dụng và phát triển nghề vỗ béo trâu không khó. Ngoài việc tận dụng nguồn rơm, cỏ sẵn có tại địa phương, người nuôi chỉ cần kết hợp cho trâu, bò ăn thêm một ít cám hỗn hợp vào mùa đông[27].

Chuồng để nuôi phải được dựng nơi cao ráo, thoáng mát. Hướng chuồng theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích nuôi trung bình 3-5m2/ con, cần trang bị máng ăn và máng uống nước, chuồng nuôi trâu không quá xa nhà để còn tiện kiểm tra và chăm sóc. Thức ăn nuôi trâu vỗ béo chủ yếu là rau, cỏ voi trộn lẫn cám và thường xuyên bổ sung thức ăn tinh như ngô, khoai, sắn để trâu nhanh lớn. Trâu là động vật nhai lại, chất thô là thành phần chính trong khẩu phần ăn của chúng, do đó chủ yếu vỗ béo cho trâu thông qua việc cung cấp cỏ tươi, lá cây rừng, rơm rạ hay cỏ khô cho trâu ăn, nhiều nơi hầu như không phải bỏ chi phí mua thức ăn cho trâu mà chỉ tốn công chăm sóc. Đây là nguyên nhân khiến nghề nuôi trâu vỗ béo nhanh chóng lan tỏa thành một phong trào phát triển kinh tế.

Những nước thời tiết có bốn mùa không rõ rệt mà thể hiện rõ ở hai mùa nóng ẩm và khô lạnh. Mùa nóng ẩm thì mưa nhiều nên nguồn thức ăn xanh dồi dào, các phế phụ phẩm nông nghiệp cũng sãn nên vỗ béo trâu thuận tiện, còn mùa khô lạnh ít mưa, nguồn thức ăn xanh khan hiếm, việc vỗ béo trâu khó khăn hơn. Trong sản xuất chúng ta có thể vỗ béo trâu quanh năm, trong mùa khô hanh vẫn có thể tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến như rơm khô ủ urê, bã bia rượu, dây lang, dây lạc, bã và ngọn mía... để vỗ béo trâu với số lượng hạn chế. Tuy vậy thời tiết khí hậu cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và mức độ tích luỹ của trâu, nóng quá hoặc lạnh quá đều không tốt, vì vậy mùa thu thời tiết mát mẻ và nguồn thức ăn dồi dào là thời kỳ vỗ béo tốt nhất. ở vùng lạnh (miền núi phía Bắc) nên kết thúc vỗ béo trước khi mùa đông tới (cuối thu) để giảm tiêu hao dinh dưỡng trong mùa rét.

Một kinh nghiệm cho thấy, đối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam, vỗ béo trâu vào mùa thu là tốt nhất vì lúc này lượng cỏ phong phú, thời tiết mát mẻ. Đối với các tỉnh phía Nam Việt Nam, có thể vỗ béo trâu quanh năm, nhưng vỗ béo vào mùa mưa từ tháng 5 - 10 là kinh tế nhất. Thời gian vỗ béo thường là 3 tháng.

  • Tháng thứ nhất thì tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại, tẩy giun sán cho trâu, cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối với những con gầy yếu, cho ăn thêm những loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo.
  • Tháng thứ hai thực hiện chăn thả gần, cho ăn cỏ thoả mãn, tăng lượng thức ăn tinh, đảm bảo đủ nước uống.
  • Tháng thứ ba cho trâu ăn loại thức ăn giàu bột đường, chăn thả gần chuồng hoặc nhốt hoàn toàn để hạn chế tiêu hao năng lượng và tăng tích luỹ mỡ.
Một con trâu đang ăn cỏ

Thời điểm vỗ béo trâu tốt nhất là lúc từ 24 tháng tuổi. Bởi đây là lúc trâu sinh trưởng nhanh, bộ răng chắc khoẻ nên khả năng tiêu hoá và hấp thụ thức ăn tốt hơn, khả năng tích luỹ mỡ, thịt cũng cao hơn. Sau 9 tháng đến 1 năm chăm sóc tốt, trọng lượng có thể tăng 50 - 70%. Thời điểm vỗ béo trâu ở lứa tuổi còn non (từ 24 tháng tuổi) sẽ cho tỷ lệ xẻ thịt cao, chất lượng và độ mềm của thịt tốt, hiệu suất vỗ béo cũng cao hơn. Trâu non có tốc độ lớn nhanh, bộ răng chắc khoẻ nên khả năng tiêu hoáđồng hoá thức ăn tốt hơn, khả năng tích luỹ cũng cao hơn. Phương thức nuôi vỗ béo nghé tơ lỡ có thể chăn thả ở những nơi có bãi chăn tốt và nguồn thức ăn xanh dồi dào, nghé được thả cho ăn tự do cả ngày thậm chí cả đêm, bổ sung thêm thức ăn tinh tại chuồng.

Khi nuôi vỗ béo trâu tơ lỡ thì dựa vào đặc điểm sinh trưởng và chỉ số trao đổi chất của trâu, người ta xác định tuổi giết thịt hợp lý của trâu là trong khoảng 2 năm tuổi. Trước khi giết thịt cần một thời gian ngắn vỗ béo nhằm tăng số lượng và chất lượng thịt. Thời gian nuôi sữa và giai đoạn tơ lỡ từ 7-18 tháng tuổi nuôi như trong phần nuôi nghé con và nghé hậu bị. Đối với nghé đực thì có thể thiến lúc 1 năm tuổi để bớt tiêu hao cho hoạt động sinh dục và tạo điều kiện cho nghé tích luỹ sớm thịt mỡ.

Tuổi vỗ béo của nghé thích hợp là khoảng 2 năm tuổi, thời gian vô béo khoảng 2-3 tháng.Trong thời gian vỗ béo nghé, sử dụng thức ăn gian năng lượng như cám, ngô, khoai v.v... Trong thời gian vỗ béo, cho trâu mỗi ngày được ăn 1–2 kg thức ăn tinh và 20–22 kg cỏ tươi. Có thể dùng cỏ khô và củ quả thay một phần cỏ tươi theo tỷ lệ 1 kg cỏ khô tương đương 3–4 kg cỏ tươi, 1 kg củ quả tươi tương đương 1,1-1,2 kg cỏ tươi.

Người ta cũng có thể vỗ béo trâu già, những con không có khả năng sinh sản và làm việc. Loại trâu này thường gầy yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp và chất lượng thịt không cao. Vỗ béo loại trâu này để nhằm tăng 15 - 20% khối lượng cơ thể. Nuôi vỗ béo trâu già là phương pháp truyền thống, đối tượng là những trâu đã loại thải không còn khả năng làm việc hoặc sinh sản, cho sữa và nhìn chung là gầy yếu. Nếu đem giết thịt những trâu này ngay thì khối lượng và chất lượng thịt thấp. Đem vỗ béo trong một thời gian ngắn có thể tăng được khối lượng thịt và cải tiến chất lượng thịt. Người ta chia trâu vỗ béo thành nhóm để tiện chăm sóc và quản lý. Thời gian vỗ béo trâu già cần 3 tháng, trong đó tháng đầu chủ yếu làm quen với thức ăn vỗ béo.

Cũng như trâu tơ, trước khi vỗ béo tẩy giun sán cho trâu. Phương thức nuôi cũng tương tự như trên có thể chăn thả, bán chăn thả hoặc nuôi tại chuồng, sử dụng thức ăn xanh là chính, thường cho ăn tự do tối đa, giảm vận động, bổ sung thức ăn tinh. Thức ăn tinh thường dùng là các loại rẻ tiền như khoai, sắn, cám, khô dầu bông, rỉ mật v.v... để hạ giá thành vỗ béo. Nếu thức ăn xanh đảm bảo số lượng và chất lượng tốt cho trâu thì mỗi ngày bổ sung thức ăn tinh từ 1 kg/con/ngày ở tháng thứ nhất, tăng dần lên 2 kg/con/ngày ở tháng cuối cùng.

Nuôi trâu đẻ

Khác với bò và một số loài gia súc khác, thời gian mang thai của trâu thường dao động trong khoảng 358-365 ngày, trung bình là 360 ngày, trung bình, thời gian mang thai của trâu là khoảng 10 tháng rưỡi và phụ thuộc vào từng loại hình trâu (trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày). Trong thời gian mang thai trâu cần đủ chất dinh dưỡng cho duy trì cơ thể, tăng trọng bản thân và nuôi bào thai. Dựa vào sự phát triển của thai, có thể chia làm hai giai đoạn để chăm sóc nuôi dưỡng trâu cái chửa: giai đoạn 1 từ lúc bắt đầu chửa đến 7-8 tháng, giai đoạn 2 từ đó đến khi đẻ (hay gọi là giai đoạn có chửa 2-3 tháng trước khi đẻ).

Một con trâu mẹ và trâu con

Người ta phát hiện trâu cái động dục có thể tiến hành bằng cách quan sát bằng mắt thường các triệu chứng động dục, phát hiện bằng cách soi dịch ban đêm và sáng sớm, nhưng tốt nhất và tin cậy nhất vẫn là phát hiện bằng trâu đực thí tình. Các biếu hiện chính của trâu cái động dục là ăn uống có những biếu hiện khác thường, thỉnh thoảng kêu rống, thích gần trâu khác có khi nhảy trâu cái khác hoặc đứng cho trâu cái khác nhảy, đi tiểu ít nhưng nhiều lần, âm hộ sưng mọng hơn, niêm mạc hồng, niêm dịch ra nhiều (rất dễ phát hiện khi soi ban đêm và sáng sớm lúc trâu cái nằm nghỉ hoặc nhai lại)

Khi cho đực thí tình nhảy thì trâu cái động dục đứng im. Để xác định chắc chắn là trâu cái động dục hàng ngày nên để ý các biểu hiện của trâu, soi dịch hai lần vào ban đêm và sáng sớm, sau đó thử lại bằng đực thí tình. Sau khi đã xác định chính xác trâu cái động dục, nếu trâu cái đủ điều kiện về tầm vóc, sức khoẻ thì có thể cho phối ngay, nếu chưa đủ điều kiện thì ghi chép, theo dõi các chu kỳ động dục tiếp theo để cho phối giống.

Trước khi đẻ, trâu thường sút hông, bầu vú tích sữa căng, vắt có sữa trắng dính chảy ra nhiều. Âm hộ mọng to, lúc gần đẻ thì đái dắt, đuôi cong. Lúc bắt đầu đẻ: Cửa tử cung mở, dạ con co bóp, thai đạp vỡ bọc ối đẩy nước ối chảy ra ngoài, cơ bụng co bóp liên tục đẩy từ từ thai ra. Trâu đẻ nhanh thời gian khoảng 30-40 phút. Trâu đẻ chậm có thể tới 2-3 giờ. Nếu quá thời gian đó mà trâu vẫn chưa đẻ, thì phải can thiệp. Trước khi đẻ, nên dùng nước muối loãng rửa sạch âm hộ, vùng mông và bầu vú. Cho ăn thêm cháo, uống nước có thêm muối để tăng khả năng rặn đẻ, và trâu sau khi đẻ đỡ mệt.

Trong khi đẻ cần giữ cho trâu được yên tĩnh, không đi lại nhiều. Trâu đẻ mùa rét cần chú ý việc chắn gió cho trâu mẹ và nghé con. Đỡ đẻ là động tác quan trọng để tránh những rủi ro trong sinh đẻ của trâu. Phải theo dõi những biểu hiện của trâu để có kế hoạch sãn sàng hỗ trợ cho trâu sinh như bồi dưỡng, chăm sóc trâu mẹ, giữ trâu mẹ tại chuồng lúc chuẩn bị sinh, chuẩn bị một số thứ cần thiết cho đỡ đẻ.

Trâu cái thường đẻ đứng nên cần đỡ nghé khi lọt lòng, tránh để nghé rơi. Nghé vừa sinh phải được móc sạch nước rãi ở miệng, mũi và lau khô sạch toàn thân, vuốt mạch máu và chất nhờn ở cuống rốn từ trong ra ngoài, cắt rốn để dài khoảng 10 cm, dùng cồn rửa sạch nhờn bẩn của cuống rốn và sát trùng. Gỉữ nghé ở nơi sạch, khô và hàng ngày kiểm tra, sát trùng, theo dõi cho đến khi rốn khô và rụng.

Sau khi đẻ cần lấy nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím rửa âm hộ và vùng xung quanh để sát trùng. Tập cho nghé bú sữa đầu. Nếu trâu ít sữa, cần cho trâu ăn cháo gạo nếp với lá sung, lá ngái, cho ăn cỏ tươi đặc biệt là cỏ trồng: Cỏ Voi, VAO6… Thời gian đầu sau đẻ, để trâu nghỉ làm việc khoảng 25-30 ngày, sau đó bắt đầu cho làm việc nhẹ. Những trâu mắn đẻ thì sau đẻ 25-30 ngày sẽ động dục trở lại, nên cần theo dõi để phối giống.

Nuôi trâu mẹ

Nuôi trâu cái từ lúc bắt đầu mang thai đến 7-8 tháng. Giai đoạn này, bào thai phát triển và hoàn thiện các cơ quan chức năng của cơ thể, nhưng sinh trưởng tích luỹ thấp. Trong khẩu phần ăn hàng ngày của trâu, ngoài năng lượng cần một lượng protein và khoáng cho sự phát triển của bào thai. Trong thời kỳ này, nhu cầu thức ăn của trâu cần nhiều cả về chất lẫn lượng. Khả năng tiêu hoá của trâu trong thời gian này rất tốt, nên lợi dụng đặc điểm này cung cấp cho trâu nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt.

Dựa vào tiêu chuẩn mỗi ngày cho trâu có chửa kỳ 1 ăn 21–30 kg cỏ tươi là đảm bảo nhu cầu. Trường hợp chăn thả ngoài bãi chăn, tuỳ theo tình trạng đói, no mà cho trâu ăn thêm ở chuồng hoặc cỏ tươi hoặc cỏ khô, 1 kg cỏ khô có thể thay được 3–4 kg cỏ tươi. Nếu có củ quả (khoai, sắn tươi) cho trâu ăn càng tốt, 1 kg củ quả tươi có thể thay được 1,1-1,2 kg cỏ tươi. Khẩu phần hàng ngày này sẽ cung cấp đủ nhu cầu cho bản thân trâu mẹ và cho thai phát triển ở giai đoạn.

Một con trâu mẹ và trâu con

Trước khi đẻ 2-3 tháng, thai phát triển nhanh, sinh trưởng tích luỹ cao, dạ con to choán chỗ trong xoang bụng. Trong giai đoạn này phải tăng chất lượng và giảm số lượng khẩu phần ăn, tăng tỷ lệ thức ăn tinh trong khẩu phần, giảm tỷ lệ thức ăn thô xanh và chọn loại thức ăn dễ tiêu hoá. Nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn này tăng hơn so với giai đoạn trước. Trâu có chửa kỳ 2 với khối lượng dưới 500 kg, nên được ăn 30–40 kg cỏ tươi và trâu trên 500 đến 800 kg nên được ăn 50 kg cỏ tươi là đảm bảo được nhu cầu.

Thực tế trâu không thể ăn được khối lượng này, vì lúc này thai đã phát triển chiếm chỗ trong xoang bụng. Do đó, nên cho ăn 30% thức ăn tinh và 70% thức ăn xanh thô (cỏ tươi và cỏ khô). Cóthể thay thức ăn xanh thô bằng một lượng củ quả. Cụ thể ước tính cho trâu có chửa kỳ 2 ăn (tuỳ theo khối lượng cơ thể) mỗi ngày. 15–20 kg cỏ tươi (bãi chăn và bổ sung tại chuồng); 2,5-3,5-5,0 kg thức ăn tinh (cám và bột ngô). 5-7-10 kg củ quả (khoai và sắn).

Trong giai đoạn nuôi con, trâu cần dinh dưỡng cho duy trì bản thân, phục hồi cơ thể sau khi sinh, sản xuất sữa để nuôi con. Trâu ăn được nhiều hơn và khả năng tiêu hoá giai đoạn này cũng tốt hơn theo tiêu chuẩn Tiêu chuẩn ăn của trâu đang nuôi con hoặc đang vắt sữa (năng suất 4 kg sữa ty lệ mỡ sữa 7%). Những nơi có bãi chăn tốt chăn thả trâu hàng ngày 3-4 tiếng và phải bổ sung thêm thức ăn xanh và thức ăn tinh tại chuồng.

Những nơi không có bãi chăn, nuôi nhốt, phải cung cấp đủ thức ăn xanh tại chuồng. Nếu nuôi trâu sữa phải giành đất trồng cỏ thâm. canh để cung cấp đủ cho trâu, hàng ngày cho trâu vận động vừa phải từ 1-2 tiếng và cho ăn toàn bộ thức ăn xanh và tinh tại chuồng. Đối với trâu nuôi con có thể giữ mức thức ăn tinh và củ quá như ở trâu có chửa kỳ 2, nhưng phải tăng lượng thức ăn xanh thô nhằm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo tiêu chuẩn và tăng khả năng tiết sữa nuôi con.

Đối với trâu sữa thì cơ cấu thức ăn trong khẩu phần khoảng 60-70% thức ăn xanh và 30-40% thức ăn tinh hỗn hợp tính theo đơn vị thức ăn (nếu có thức ăn củ quả như khoai lang, sắn, ... thì cho ăn 50-60% thức ăn xanh, 10 gr củ quả và 30-40% thức ăn tinh hỗn hợp. Khẩu phần cụ thể dựa vào nguồn thức ăn sãn có vả điều kiện của trại hoặc gia đình. Tỷ lệ thức ăn tinh trong khấu phần giảm và tỷ lệ thức ăn xanh tăng dần theo thời gian cho sữa.

Lượng thức ăn cung cấp hàng ngày phụ thuộc vào khối lượng cơ thể trâu cái và sản lượng sữa để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho duy trì, hồi phục cơ thể sau khi đẻ, sản xuất sữa và nếu có thai thì nuôi thai. Nước uống rất cần thiết cho trâu sữa, hàng ngày 1 trâu cái uống tới 40-(50 lít nước, phải cung cấp đầy đủ và thường xuyên nước sạch ở máng nước.

Trường hợp trâu đang nuôi con theo mẹ thì khi nghé đã cứng cáp có thể cho theo mẹ, để nghé con luôn được bú sữa mẹ, nhưng nếu là trâu vắt sữa phải nuôi tách hoàn toàn, trường hợp những trâu khó vắt sữa cần sự có mặt của nghé, thì cho nghé đứng cạnh khi vắt sữa hoặc khi cần thúc vú để kích thích xuống sữa. Hàng ngày tắm chải cho trâu cái để tăng cường tuần hoàn máu, trao đổi chất, mùa nóng tắm hàng ngày, mùa lạnh tắm những ngày trời ấm.

Đặc biệt chú ý giữ vệ sinh bầu vú, núm vú vì trong thời gian này lỗ núm vú luôn mở, rất dễ cho vi trùng xâm nhập gây viêm vú. Sau khi vắt sữa xong, rửa vú sạch bằng nước sạch và lau khô.Chuồng trại giữ thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông, hàng ngày dọn phân, rửa nền chuồng sạch sẽ, khô ráo; cọ rửa máng ăn, máng uống và cống rãnh thoát nước xung quanh chuồng trại.

Nuôi nghé

Nuôi nghé theo mẹ phải được chú ý ngay từ lúc sinh. Để đám bảo an toàn cho mẹ và con, ngay sau khi trâu có triệu chứng đẻ phải chuẩn bị thật chu đảo cho việc đỡ đẻ và chăm sóc trâu mẹ sau khi sinh. Sau khi đẻ 1-2 giờ, phải cho nghé bú sữa đầu, vì sữa đầu rất quan trọng, không thể thay thế đối với nghé sơ sinh. Trong sữa đầu, lượng protein cao hơn 5 lần so với sữa thường, vitamin A và D cao gấp 5 lần, khoáng cao gấp 2 lần, đặc biệt sữa đầu có hàm lượng gamma-globulin (kháng thể) cao có thế giúp nghé có sức đề kháng cao.

Một con nghé

Nếu nuôi nghé theo mẹ thì để nghé bú trực tiếp liên tục, còn nếu nuôi nghé tách mẹ thì thời gian bú sữa đầu là 1 tuần. ở nghé sơ sinh, dạ dày cũng đủ 4 túi như trâu, nhưng dạ múi khế chiếm gần 50% thể tích và là nơi tiêu hoá chính của nghé. Sữa bú từ vú mẹ không đi vào dạ cỏ mà được chuyển trực tiếp xuống dạ múi khế thông qua rãnh thực quản. Trong bốn tuần đầu sau khi sinh, tiêu hoá của nghé gần giống như ở gia súc dạ dày đơn, sau đó dạ dày phát triển dần và tiêu hoá 4 túi được hình thành.

Nuôi nghé theo mẹ, trong tháng thứ nhất sau khi đẻ, cần chú ý cho nghé bú đủ lượng sữa mẹ cần thiết để đảm bảo sinh trưởng bình thường, nếu trâu mẹ không đủ sữa cho nghé phải cho đông thèm sữa bột hoặc sữa đậu nành (tuỳ theo mục đích nuôi làm giống hay lấy sữa mà quyết định). Có thể cho nghé tập ăn dần thức ăn tinh và cỏ sau khi sinh 3-4 tuần, từ tháng thứ hai có thể cho nghé ăn cỏ tự do với lượng thích hợp. Nếu nuôi nghé tách mẹ thì lượng sữa nguyên cho nghé bú trong giai đoạn này có thể từ 300-500 lít tuỳ theo mục đích nuôi làm giống hay nuôi thương phẩm. Nếu nuôi nghé giống thì lượng sữa cho ăn 450-500 hi, còn nuôi thương phẩm thì cho khoảng 300-350 lít.

Cho ăn sữa ngày 4 lần trong tháng đầu sau đó giảm còn 2 lần sáng và chiều ngay sau khi vắt, sữa còn ấm. Có thể cho nghé bú bằng bình bú có núm vú nhân tạo hoặc tập cho nghé ăn bằng xô. Sau 3-4 tuần tập cho nghé ăn thức ăn tinh và cỏ, sau 1 tháng có thể cho ăn tự do với lượng thích hợp. Cho ăn sữa hay thức ăn cứ 10 ngày điều chỉnh khẩu phần 1 lần cho thích hợp. với sự phát triển của nghé.

Lượng sữa nuôi nghé hàng ngày có thể chia theo tháng thứ nhất 4-5 lít, tháng thứ hai 3-4 lít, tháng thứ ba 3lít tháng thứ tư 1-2 lít, tháng thứ năm 1 lít. Trâu đầm lầy có sản lượng sữa thấp, lượng sữa chỉ đủ nuôi con, vì vậy nghé con lớn lên là dựa hoàn toàn vào sữa mẹ, cho nghé theo mẹ bú tự do, người ta chỉ cần tác động qua thức ăn cho trâu mẹ để đảm bảo tiết đủ sữa cho con.

Nghé phải được tắm chải thường xuyên, mùa nóng tắm chải hàng ngày, mùa lạnh chải hàng ngày và mỗi tuần tắm 1 lần vào lúc nắng ấm để tăng cường sự tuần hoàn và trao đổi chất giúp nghé sinh trưởng tốt. Vận động hàng ngày hợp lý Cũng rất quan trọng cho sự phát triến của nghé, nghé dưới 1 tháng tuổi cho vận động tại sân chơi hoặc ở bãi chăn gần chuồng, 2-3 tháng tuổi cho vận động 2-4 giờ, 4-6 tháng tuổi cho vận động 4-6 giờ. Thường nghé nuôi theo mẹ, nên người ta điều tiết sự vận động của nghé theo cách chăn thả trâu mẹ, những tháng đầu được chăn thả gần chuồng, thời gian chăn cũng ngắn hơn. Thường nghé được cai sữa lúc 4-(5 tháng tuổi nếu nuôi tách mẹ, còn nuối theo mẹ có thể tách mẹ hoàn toàn muộn hơn để nuôi theo đàn nghé tơ lỡ.

Nuôi nghé hậu bị thì khi sau cai sữa, nghé hoàn toàn phụ thuộc vào thức ăn được cung cấp. Nếu nghé nuôi làm giống từ 6 tháng tuổi, nên nuôi đực cái riêng để việc nuôi dưỡng phù hợp với mục đích sử dụng. Thời gian đầu, cần cho nghé ăn một lượng thức ăn tinh khoảng 0,6-1,0 kg/con/ngày đảm bảo cho nghé sinh trưởng bình thường. Như vậy tỷ lệ thức ăn tinh chiếm khoảng 10-20% khẩu phần ăn hàng ngày. Thức ăn xanh được cung cấp đủ hoặc chăn thả tự do. Những nơi có bãi chăn tốt trong mùa mưa, nghé có thể ăn đủ thức ăn xanh ngoài bãi chăn, mùa khô chú ý bổ sung thêm thức ăn tại chuồng như rơm, cỏ khô, thân cây ngô non, ngọn mía để mỗi nghé ăn được 8–12 kg thức ăn xanh thô/con/ngày.

Một con nghé

Giai đoạn 1-2 năm tuổiSau 12 tháng tuổi, nghé có thể được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn xanh thô hoặc chỉ chăn thả tuỳ theo trạng thái thảm cỏ ngoài bãi chăn đảm bảo cho nghé ở tuổi này được ăn 18–20 kg thức ăn xanh thô/con/ngày. Tuy nhiên, nếu sức khoẻ -của nghé không được tốt, có thể cho nghé ăn lượng thức ăn tinh 0,4-0,5 kg/con/ngày khi thấy cần thiết nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu duy trì và tăng trọng bình thường của nghé. Ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng tốt, nghé phải được tắm chải, vận động thường xuyên hàng ngày.

Giai đoạn 2-3 năm tuổiTừ 2 năm tuổi trở đi, trâu có thể được sử dụng để huấn luyện cày kéo hay vỗ béo cho thịt, còn nếu để sinh sản thì phải chú ý theo dõi sinh sản của chúng. Trâu tơ lỡ thường xuất hiện các biểu hiện động dục lúc 30-36 tháng tuổi, cá biệt có con xuất hiện sớm hơn lúc 24 tháng tuổi. Trong giai đoạn hậu bị chú ý cho nghé ăn tốt, đủ dinh dưỡng đê đảm bảo cho nhu cầu duy trì, tăng trọng bình thường và cho hoạt động sinh dục.

Nếu trâu được ăn 30–32 kg cỏ tươi/con/ngày là đảm bảo đủ nhu cầu theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trâu khó có thể ăn hết được khối lượng cỏ này trong ngày. Có thể thay vào đó một lượng củ quả (khoai sắn) để trâu chỉ còn phải thu nhận khoảng 20–22 kg cỏ/con/ ngày gồm cỏ ngoài bãi chăn và cho bổ sung tại chuồng. Trâu phải được vận động thường xuyên hàng ngày và chú ý cho tiếp xúc giữa trâu đực với trâu cái. Thời kỳ này chú ý theo dõi phát hiện động dục hàng ngày để phối giống kịp thời.

Kinh nghiệm

Với nền nông nghiệp truyền thống lâu đời gắn liền với lúa nước và đặc biệt là con trâu theo cách sản xuất “con trâu đi trước, cái cày đi sau” và “con trâu là đầu cơ nghiệp”, người nông dân Việt Nam có một kho tàng kinh nghiệm liên quan đến việc nuôi trâu từ khâu chọn giống cho đến khi chăm sóc. Theo kinh nghiệm thì khi mua trâu nên mua trâu ở các vùng núi phía Bắc, tránh mua trâu ở miền Trung hoặc miền Nam vì trâu phía Bắc chịu rét tốt hơn. Khi mua trâu về bắt buộc phải tiêm phòng các loại bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tẩy giun sán cho đàn trâu. Quan trọng nhất là phải tránh muỗi, mòng cắn trâu[28] Khi nuôi trầu cần nhớ mặt mũi từng con một, cách ăn uống của chúng, tính nết của từng con trâu một trong dân gian có câu “Mua trâu xem vó, mua chó xem chân”.

Người Việt có nhiều kinh nghiệm trong chọn trâu

Trước tiên, để chọn trâu tốt thì cần chú ý đến chân tay của trâu con (nghé), chân tay càng to khỏe đồng nghĩa với việc, nghé càng khỏe mạnh, thứ hai là màu lông và màu da, nghé có màu lông và da càng đen càng tốt, thứ ba là khoáy, nghé có 4 khoáy chuông là trâu tốt[29]. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, hình thức, đặc điểm của con trâu còn báo trước rằng gia chủ gặp phúc hay họa. Khi đi chợ mua trâu cũng đều thuộc nằm lòng câu “đầu tang, xoáy tóc, hàm sà, trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi”, đó là tiêu chí cần tránh trước tiên. Người ta còn rất kị loại “trâu cười” tức là đêm đến khi dùng đèn soi vào mặt thì nó nhe răng, hay trâu “tam trinh” tức ba mắt có một cục lồi giữa trán giống như con mắt thứ ba, hay trâu “bạch thiệt” (trắng lưỡi) hay loại bị “đốm đuôi” (đuôi bị trắng)[30].

Thời điểm trâu lớn nhanh là vào tháng 5 đến tháng 6, khi đó tranh thủ thời gian chuyển vụ giữa vụ lúa xuân và vụ mùa, thả trâu cả đêm ngoài đồng để trâu ăn các mầm lúa non mà người dân quen gọi là “trau lúa”. Tuy nhiên đến mùa đông, trâu thường chịu rét kém nên cần phải chăm sóc tốt, bảo đảm đủ cỏ tươi, giữ ấm cho đàn trâu và tuỳ thời tiết mà chăn thả cho phù hợp. Không nên chăn thả lẫn với các đàn trâu khác, những ngày rét phải pha nước muối ấm cho trâu uống và thả muộn, khi trời đã tan giá và đưa trâu về sớm hơn thường ngày, như vậy vừa tạo điều kiện để trâu, bò có thời gian vận động, thích nghi dần với thời tiết và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, dành thức ăn chuẩn bị sẵn cho các đợt rét khác[31]. Kinh nghiệm muốn lãi nhanh phải biết chọn thời cơ mua trâu ở đồng rừng về chăn thả[32].

Tuổi của trâu là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng quan trọng của một con trâu, căn cứ vào quy luật mọc răng, thay răng và mức độ mòn của răng (đối với răng cửa hàm dưới) người ta có thể biết được tuổi trâu. Cách xác định tuổi trâu như sau:

  • Đối với nghé (trâu con) khi thấy đã mọc đủ 8 răng sữa thì nó đã được 6-7 tháng tuổi.
  • Đối với trâu, khi thấy 2 răng sữa chính giữa (răng số 1) rụng là trâu được 20-22 tháng tuổi. Từ tuổi này, trâu bắt đầu thay từ răng sữa thành răng trưởng thành; có thể căn cứ vào đó để xác định thời gian.
  • Nếu thấy 2 răng trưởng thành chính giữa (răng số 1) mọc bằng, đồng thời 2 răng sữa áp chính giữa (răng số 2) rụng, là trâu 2 năm tuổi.
  • Khi 2 răng trưởng thành áp chính giữa (răng số 2) mọc bằng là trâu đã 3 tuổi.- Nếu 2 răng sữa áp góc (răng số 3) rụng, trâu đã 3 tuổi rưỡi.
  • Khi 2 răng trưởng thành áp góc (răng số 3) mọc bằng, trâu 4 tuổi.
  • Khi 2 răng sữa ở góc (răng số 4) rụng, trâu đã được 4 tuổi rưỡi.
  • Nếu 2 răng trưởng thành ở góc (răng số 4) mọc là trâu 5 tuổi. Đến đây, trâu đã thay xong toàn bộ 8 chiếc răng cửa hàm dưới.
  • Nếu 2 răng ở góc (răng số 4) bắt đầu mòn, các răng khác đã mòn thành hình vệt dài, trâu đã 6 tuổi.
  • Khi 2 răng áp góc (răng số 3) mòn thành hình tròn và 2 răng chính giữa (răng số 1) mòn thành hình vuông là trâu 9 tuổi.
  • Nếu 2 răng chính giữa (răng số 1) xuất hiện sỉ tinh tròn (dấu vết còn lại của tuỷ răng) là trâu 12 tuổi. Cuối cùng, khi thấy các răng ngắn, thưa dần và lung lay là trâu đã 13 tuổ, già yếu.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nuôi trâu http://123.25.71.107:82/hoidap/vi/news/Chan-nuoi/B... http://www.baoyenbai.com.vn/215/118619/Nuoi_trau_t... http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/giau-su-nh... http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_xahoi/_mo... http://danviet.vn/cam-nang-nha-nong/xay-chuong-tri... http://khcncaobang.gov.vn/index.php?language=vi&nv... http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?New... http://nongnghiep.vn/con-trau-vien-ngoc-quy-chau-a... http://nongnghiep.vn/nuoi-trau-post117259.html http://baosonla.org.vn/News/?ID=8198&CatID=111